Chương 22: Bé Dao bốn tuổi
Vốn nghĩ trong cung có nhiều vú nuôi, cung nữ, chẳng cần lo lắng chi cả. Nhưng đến giờ mới biết lại có nhiều chuyện lặt vặt phải lưu ý đến thế. Hồi trước thường trêu ghẹo Gia phi, cái con người năng nổ này vừa có con là không chịu ra khỏi cửa. Lúc nói chuyện thì không phải khoe chuyện hôm nay Ngũ hoàng tử biết bò, thì là hôm qua thằng bé ăn thêm được vài thìa cơm. Bây giờ phong thủy luân chuyển, đến lượt cô ấy trêu ghẹo ta.
Ta bận, Hoàng thượng cũng bận. Ta không biết có phải Hoàng đế nào cũng bận rộn như vậy, hay chỉ có bệ hạ nhà ta chẳng ngày nào được nhàn rỗi.
Bây giờ có khi mười ngày Hoàng thượng mới ghé thăm một lần, có lúc lại chẳng đến được. Ta mong người đến. Bệ hạ đến mà thần sắc tươi sáng vui vẻ, ta cũng mừng theo. Có lúc lại thấy vành mắt bệ hạ đen xì, mặt mũi nhợt nhạt, ta lại lo lắng không thôi.
Cẩn phi cũng đến chỗ ta chơi nhiều. Cẩn phi vốn là người thích trẻ con, có lúc Hân Uyên khóc mãi không thôi cũng không thấy phiền, không chịu giao cho nhũ mẫu mà tự mình từ tốn dỗ dành. Lâu dần, Hân Uyên còn thân cận với Cẩn phi nương nương hơn là mẹ đẻ ta đây.
Có lúc Gia phi đến trêu ta, rằng về sau Hân Uyên lớn lên sẽ gọi ta là Dao nương nương, gọi Cẩn phi nương nương là mẫu phi mất thôi. Cẩn phi nương nương tốt bụng như vậy, dưới gối lại không con, cũng thật đáng tiếc.
Đến tháng chín, tết Trùng cửu, Hoàng hậu nương nương thưởng lụa đỏ và bánh hoa quế cho các cung. Người còn bảo, năm nay hoa quế và hoa cúc nở rộ tươi đẹp, Cung thân vương có lòng gửi tặng bảy chậu hải đường trắng quý hiếm. Hoàng thái hậu vui mừng, mời tần phi các cung đến cung Khôn Ninh ngắm hoa.
Đây là lần đầu tiên ta gặp nhiều người như vậy. Ngoài năm người Hoàng hậu, Thục quý phi, Cẩn phi, Tuệ phi, Gia phi còn có Thuần tần, Thành tần, Cảnh tần, Thư tần, Trân tần và các Quý nhân, Thường tại khác tụ tập trong một sân, đông đủ hơn cả lúc đi thỉnh an Hoàng hậu nương nương.
Tiệc ngắm hoa cũng chẳng có gì, buổi sáng được dẫn đến điện Trường Xuân cầu phúc, nói vài câu tốt đẹp với Hoàng thái hậu, được ban rượu hoa cúc và trọng dương cao xong là giải tán.
Lúc ta hồi cung, Hoàng thượng đang ngồi trên trường kỷ đọc sách, ta hỏi vú em Lục hoàng tử nửa ngày nay thế nào, người đó đáp Lục hoàng tử chơi với Hoàng thượng suốt, vừa bú sữa xong đã đi ngủ rồi.
Hoàng thượng buông quyển sách, ra vẻ giận dỗi:
– Có con một cái là quên trẫm luôn. Trẫm mang nhiều thứ tốt cho nàng, vậy mà nàng đến thỉnh an cũng không thèm làm.
Ta hỏi:
– Hoàng thượng mang thứ gì tốt đến thế? Sao hôm kia không đến, hôm qua không đến, hôm nay lại đến? Sợ là người đi một vòng tam cung lục viện, thấy các cung đều vắng người nên mới chạy đến chỗ thần thiếp.
– Thôi, xem cái miệng nàng kia, nói nàng một câu, nàng phải đáp mười câu. Trẫm thấy buổi sáng Ngự thiện phòng dâng lên món cua rất ngon, đã để dành bảy, tám cái yếm cua cho nàng. Trẫm sợ nguội nên vẫn để trong lồng hấp, còn không mau đi nếm thử?
Ta nghe xong thì cười:
– Hoàng thượng nào có nhỏ mọn như vậy, nếu phân lệ nên được phát, sao thiếu phần thần thiếp? Nếu phân lệ không có, thần thiếp cũng chẳng thèm đâu.
– Nàng có hay không, thèm hay không trẫm quả thật không biết. Trẫm chỉ biết cua ăn rất ngon nên mới để dành cho Dao tần của trẫm. Hôm qua có cả món chè hạt sen mềm ngọt, ngon miệng. Nếu không phải sợ nàng chê khó coi, trẫm cũng bảo Tiểu Trịnh Tử mang một bát đến.
Ta nói lần sau bệ hạ hãy mang một bán đến cho thần thiếp nếm thử với, lại sai Mịch Nhi mang cua, giấm gừng, thêm bầu rượu hoa hợp hoan giải ngán đến.
Mịch Nhi gỡ cho ta hai cái yếm cua, quả thật rất ngon. Hoàng thượng vốn đang ngồi nhìn ta ăn bỗng cong môi cười, lấy khăn tay lau miệng cho ta, lại nhéo mũi ta.
– Dao tần của trẫm lớn rồi, nhưng lúc ăn trông vẫn như trẻ con.
Ta tự dưng thấy ngượng ngùng, không chịu nhìn bệ hạ, cũng không nói lời nào.
– Ý Tùy nên như vậy mới phải. Chúng ta có Hân Uyên, trẫm mừng, nhưng cũng xót nàng. Trẫm sợ nàng khổ, sợ nàng ưu sầu, trẫm ước gì nàng mãi là đứa trẻ cần trẫm chở che.
Ta đang cảm động thì bỗng người lái đề tài cái rẹt:
– Có điều xem ra trẫm lo thừa rồi, Ý Tùy nhìn thế nào cũng chỉ bốn tuổi thôi, năm ngoái là bé Dao ba tuổi, năm nay là bé Dao bốn tuổi.
Ngày mười hai tháng mười, sinh nhật của Đại công chúa, vì đã đến tuổi cập kê nên lễ cũng được làm long trọng hơn.
Ta tốn rất nhiều ngày để vẽ tranh hoa thủy tiên, lại tìm một khối dương chi bạch ngọc thượng hạng để làm thành một cặp trâm cài. Cánh hoa trắng ngọc thanh nhã, nhụy hoa làm bằng tơ vàng, rất hợp với khí chất cao quý nhã nhặn của Đại công chúa.
Qua một ngày ồn ào náo nhiệt, buổi tối Đại công chúa đến cung Đường Lê ngồi chơi cờ với ta rất lâu, ta thấy con bé như có tâm sự.
Đang đánh cờ, vú nuôi tới báo Hân Uyên thức giấc rồi, đang khóc um lên. Ta ẵm con dỗ dành đến khi nó nín. Đại công chúa lại gần nhìn mặt thằng bé, dùng ngón tay chọc lên má thằng bé. Hân Uyên dùng bàn tay nhỏ bé của mình nắm lấy ngón tay của Đại công chúa, đôi mắt tròn vo nhìn Đại công chúa, ê a tươi cười.
Đại công chúa ngẩng lên nhìn ta, trong mắt đầy kinh ngạc, khóe miệng cong cong.
Một lát sau, Hân Uyên lại nhắm mắt ngủ, ta đưa thằng bé cho vú nuôi ẵm xuống.
Lúc này, Đại công chúa mới kể:
– Hoàng a ma bảo lập xuân sang năm sẽ tuyển phò mã cho con.
– Vậy thì sao?
– Từ nương nương, con còn đắn đo nhiều, con luôn thấy mình còn nhỏ.
– Vẫn còn nhỏ mà. Lúc Từ nương nương bằng tuổi con đã vào cung làm Thường tại. Vào cung không được chọn phu quân, phu quân còn chẳng thuộc về mình ta. Chưa chắc đã gặp được phu quân, cũng chưa chắc phu quân có thích mình hay không. So với Từ nương nương, chẳng phải con may mắn hơn nhiều ư?
Con bé cúi đầu nghĩ ngợi:
– Mẫu phi cũng nói với con như vậy, nhưng con sợ. Từ nương nương, người nói xem, tại sao phụ nữ nhất định phải lấy chồng? Còn phải lấy người mình không quen biết. Dù con có quyền chọn, cũng là nhìn từ phía xa, chọn một người hợp mắt. Người đó có thích con không, có thương con không, con không biết được.
Lời nói của con bé làm ta bần thần không biết nên khuyên thế nào. Ngẫm trong lòng lại thấy thương cảm, dù là Đại công chúa cao quý được thiên tử yêu chiều, lẽ ra là người con gái không bị trói buộc nhất trên đời này. Ấy vậy mà chuyện kết hôn đại sự, cũng chỉ có thể chọn người gia thế phẩm hạnh tốt, sau đó hai người có thể đồng lòng hay không, ai nói trước được?
– Từ nương nương thấy Hoàng a ma đối xử với người có tốt không?
– Tất nhiên là tốt rồi.
– Con cũng thấy Hoàng a ma rất thương nương nương. Vậy người có thích Hoàng a ma không?
– Thích chứ.
– Vậy nếu một ngày kia, Hoàng a ma không thương Từ nương nương nữa thì sao?
Ta chưa bao giờ nghĩ đến một ngày Hoàng thượng không đối tối với ta nữa, ta ngẫm nghĩ một lát rồi đáp:
– Hôm nay con đối xử tốt với một người, ngày mai có thể không tốt với người đó nữa. Nhưng con thích một người, thì không thể ngày mai đã không thích nữa.
Ta thấy con bé còn ngơ ngác chưa hiểu, liền nói tiếp:
– Dù vì lý do gì, khi con thích một người, thì không chỉ mong hắn tốt với con. Con thích hắn thì sẽ muốn đối xử tốt với hắn. Con vui khi cho đi, cũng sẽ mừng khi nhận lại. Về sau có ra sao, hai đứa cũng có thể nương tựa vào nhau.
Trước đây, ta vẫn là một cô gái nhỏ không sợ trời, không sợ đất, mỗi ngày chạy nhảy ồn ào. Bây giờ đã biết chiêm nghiệm về cuộc sống, cũng thật tốt.
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License