Có ăn có uống, đương nhiên còn gì vui bằng.
Người hầu có vẻ không nhiều mà cũng không thấy đi loanh quanh, có lẽ là đang làm việc. Mười mấy phút sau, Gabriel thay quần áo mới đi xuống lầu, bảo hầu gái cũng lấy cho cậu cacao nóng và bánh su kem.
“Anh ở một mình à?” Cô tò mò hỏi.
“Cứ xem là vậy đi.”
“Cha mẹ anh đâu?” Hỏi thế này có phải không hay không? Nhưng có vẻ cũng chỉ biết hỏi vậy.
“Bọn họ ở… London.” Sắc mặt chàng trai có vẻ muộn phiền.
“Thế sao anh lại đến Ardennes? Ardennes hẻo lánh vậy mà, lại còn là chiến trường.”
Chàng trai do dự, đoạn bảo: “Có hơi phức tạp. Nhưng bây giờ về Paris cũng không phải là ý kiến hay.”
Cũng đúng, xem ra Công xã Paris không duy trì được bao lâu, sẽ nhanh chóng bị nhóm người khác thay thế.
Chẳng mấy chốc cô đã mất hứng thú về cậu ta, bọn họ không thuộc cùng tầng lớp, khả năng trở thành bạn không cao. Thiếu gia nhà giàu quay về thay quần áo, cô không biết bộ quần áo giày dép đó tốn bao nhiêu tiền, nhưng nhìn qua là biết được làm rất tinh xảo, giá trị không nhỏ. Nhìn lại cô đi, mặc đồ cũ của Charles, đúng là con gái nghèo ở quê.
***
Sau đó Charles hỏi, thằng ngu đó là thiếu gia nhà giàu thật à? Vitalie dạy anh cách nhận diện xuất thân của đối phương: Dù người giàu cải trang thành người nghèo, mặc đồ con trai nông thôn thì cũng sẽ không vứt đôi giày vừa chân thoải mái. Lúc bấy giờ Charles mới hiểu ra.
Tuy đàn ông ở quê mặc giày da và ủng da nhưng vẫn bị lấm bẩn, không chú ý giữ sạch sẽ như người thành phố.
Hơn nữa, một cậu bé 14 tuổi tiện tay lấy ra một đồng tiền vàng 20 franc như thế thì sao có thể là dân quê được? Charles đã được coi là đứa có tiền nhất trong đám con trai rồi, nhưng anh cũng không thể thong thả lấy ra một đồng Napoleon mà không xót ruột được.
Nghĩ đến tiền tiêu vặt, Charles lại bất mãn: Vì dỗ cô vui mà bác trai cho cô hẳn một túi tiền vàng! Chừng đó cũng phải mấy chục đồng! Ít cũng khoảng 1.000 franc. Vitalie không hẹp hòi, ngày hôm sau cho anh 10 đồng tiền vàng, chẵn 200 franc, cũng coi như là một khoản tiền nhỏ.
Đối với chuyện Vitalie được bác trai thích hay thậm chí là nuông chiều, Charles đã sớm giác ngộ, anh không được đáng yêu như em họ nên đành chấp nhận thôi. Mà em họ cũng rất tốt, mỗi lần được cho tiền là sẽ chia cho anh một ít, thế là đủ rồi.
***
Vitalie cứ tưởng sẽ không gặp lại thiếu gia nhà Oran nữa, nhưng không ngờ cách một ngày sau, Gabriel lại tìm được nhà Cuif, trả lại cuốn Những Người Khốn Khổ cô bỏ quên trong biệt thự hôm đó.
“Cám ơn anh, tôi còn tưởng mình đánh rơi trên đường rồi chứ.” Gabriel mặc áo sơ mi và áo khoác âu phục của thiếu gia nhà giàu, thoạt trông rất phi phàm. Vitalie cũng mặc váy ở nhà.
“Em thích sách của Victor Hugo à?”
“Cũng bình thường.”
“Có thích Nhà thờ Đức Bà Paris không?”
“Không thích lắm.”
“Vì sao?”
“Chắc là vì khổ quá.”
“Những Người Khốn Khổ thì không khổ à?”
“Vẫn còn đỡ hơn.”
“Còn thích đọc sách của ai nữa?”
“Lord Byron*.”
(*Lord Byron là nhà thơ lãng mạn nước Anh, thường được gọi là Lord Byron. Ông được coi là một trong những nhà thơ lớn của thế giới thế kỷ 19. Ông được biết đến với lối sống tai tiếng về tình ái và lỗi lạc về ngôn ngữ thơ.)
Gabriel cười, “Em học giỏi tiếng Anh lắm hả?”
“Bình thường.”
“Em học ở đâu?”
“Trường dòng nữ Santa Maria.”
“Chưa từng nghe đến.”
“Là một trường dòng nhỏ ở Ardennes.”
Gabriel gật đầu, “Em chưa từng nghĩ đến chuyện đi học ở trường tốt hơn à?”
“Có nghĩ. Nhưng không có trường công lập cho nữ, mà nhà tôi lại không gánh nổi chi phí ở trường nữ cao cấp.”
Chàng trai ngẩn người trước câu trả lời của cô, sững sờ một lúc lâu.
***
Sau đó Gabriel có ghé lại hai lần, đem theo ít sách vở cho cô, cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, bản thân cậu có thể nói tiếng Anh rất lưu loát, mẹ cậu là người Pháp, cha là người Anh, nhưng tính ra cũng đã di dân từ Pháp sang Anh hơn 200 năm.
Charles rất không vui khi thấy Vitalie chơi chung với Gabriel, hai đứa nói gì anh nghe không hiểu, thế là lại càng gai mắt tên thiếu gia nhà giàu đó. Vì vậy khi Gabriel ghé đến lần thứ ba, anh đã đánh nhau với Gabriel.
Cả hai thằng con trai đều rất gầy, song không phải dạng gầy yếu, Charles không bao giờ lo chuyện ăn uống, chỉ là không thêm nổi thịt; Gabriel thì cường tráng hơn chút, nhưng vóc dáng không cao. Con nhà có tiền từ nhỏ đã ăn sơn hào hải vị, không lo bỏ đói, nhưng không như đám trẻ con ở quê lớn lên qua việc đánh nhau với đồng bọn, chẳng mấy chốc cậu đã bị Charles đè xuống đất đấm túi bụi.
Vì chuyện diễn ra quá nhanh, Vitalie còn không kịp phản ứng thì Gabriel đã bị quật ngã. Charles không nói một câu gì, kể cả lý do đánh. Cô đang tiễn Gabriel ra cửa, cậu vẫn chưa lên xe ngựa thì đã bị Charles xông vào.
Người lái xe ngẩn ra, Vitalie vội kêu gã, “Mau tách họ ra!”
Lái xe vội vã đi tới kéo Charles ra, đẩy anh ra rồi kéo thiếu gia nhà mình dậy.
Vitalie bất bình, “Anh làm gì thế? Sao lại đánh anh ấy?”
“Không vì sao cả, anh thích đánh thì đánh.” Anh bắt chước giọng Vitalie, nói với vẻ khinh miệt, “Đánh hắn mà còn cần chọn ngày?”
Đây là câu ngày trước Vitalie thường giễu cợt anh, giờ anh lấy ra dùng.
Cô tức giận đá vào bắp chân anh, “Người đâu vô lý!”
Rồi xoay người toan đi vào nhà, không ngờ Charles giơ tay kéo mạnh bím tóc đuôi sam của cô, làm cô ngửa đầu ra sau, da đầu đau rát.
Cô đau tới mức phát khóc, xoay người bổ nhào vào anh, “Cái tên thối tha này!”
Hai người lao vào đánh đấm, Gabriel vừa đứng dậy đã trợn mắt há mồm nhìn hai người họ đánh nhau. Một phút sau anh mới phản ứng lại, vội bảo lái xe tách hai người họ ra.
Vitalie hô: “Đợi cậu về, em sẽ bảo cậu trói anh lại dùng roi ngựa quất đau!” Không biết Charles đã đánh trúng chỗ nào trên người cô, chỉ cảm thấy khắp mình mẩy đau nhức.
Lái xe giữ chặt Charles, anh dùng sức vùng vẫy khua tay khua chân, cuối cùng cũng thoát khỏi được cánh tay của người lái xe, chạy biến đi như một làn khói.
***
Vitalie tức điên, lau nước mắt. Cô không mắng người, nếu mà mắng thì sẽ thốt ra mấy câu vô cùng tục tĩu mà cậu Felix hay nói, khó nghe lắm, cô nói không nổi.
Gabriel mặt dính đất người dính bụi, nom khá chật vật, mà bản thân cô cũng chẳng khá hơn. Cậu lấy khăn tay ra nhẹ nhàng lau mặt cho cô, thấp giọng nói: “Mau đi rửa mặt đi, đừng để bụi lẫn vào mắt.”
“Ừ.” Cô vẫn thút thít, “Anh cũng thế, anh vào rửa mặt đi.”
Cô vào phòng, đầu tiên là lấy một chậu nước rửa mặt cho mình; rồi múc chậu nước sạch khác, lấy một chiếc khăn lông mới ra đưa cho Gabriel lau mặt.
“Anh ấy đúng là vô lý, đợi lát nữa cậu về, tôi sẽ bảo cậu đánh anh ấy một trận nhừ tử!”
“Tôi, tôi không đánh thắng anh ta, không bảo vệ được em.” Gabriel xấu hổ nói.
“Anh ấy làm hỏng áo khoác của anh rồi, tôi thay mặt anh ấy xin lỗi, đền tiền áo khoác cho anh.”
Cậu tính nói “không cần”, nhưng nghĩ lại thì không nói. Váy của cô cũng đã bị rách, tay áo bị toạc nửa bên, lộ ra áo sơ mi bên trong.
“Váy của em… rách rồi.” Nghĩ nhà cô không phải dạng khá giả, một chiếc váy ở quê cũng đến mười mấy franc, có lẽ cô sẽ bị mắng.
“Ồ, không sao, tôi còn có váy mới.” Cô không để ý lắm, nhưng đương nhiên món nợ này vẫn cần tính lên đầu Charles, “Anh mau về đi, tôi sợ lát nữa anh ấy lại về thì mệt.”
Kể ra thì tiểu tử Charles đánh nhau rất thạo, chỉ quan tâm đến mặt Gabriel, đánh bầm mắt trái của cậu; còn đánh cô thì chỉ đánh trên người, không đánh mặt – nếu Felix thấy mặt cô sưng thì Charles không chỉ bị đập một trận bằng roi ngựa thôi đâu.
Gabriel đi rất nhanh.
Vitalie quay về phòng mình, cởi váy kiểm tra. Tên Charles này ra tay ác thật, mạng sườn bên trái phía trên thắt lưng đau nhức, có chỗ sưng đỏ to bằng lòng bàn tay. Cô rít lên, bụng nghĩ cậu mà về thì cô phải thêm dầu thêm mỡ báo lại chuyện này với ông mới được. Không biết thằng nhóc thúi kia nổi điên gì nữa!
***
Felix về nhà, biết Charles đánh Vitalie thì nổi trận lôi đình, bảo đợi thằng khốn đó về thì nhất định phải thưởng cho nó một trận roi ngựa, dạy dỗ lại nó. Mà Charles tự biết mình gây họa nên mấy ngày đó đều không dám mò mặt về nhà.
Vitalie không ở lại làng Roche chờ anh về, hai hôm sau, Felix dẫn cô trở lại Charleville.
***
Arthur vẫn chưa về, tâm trạng bà Rimbaud đang không được tốt. Bà rất phản đối chuyện ông anh mình muốn dẫn Frederic và Vitalie đến Dijon tìm đại úy Rimbaud, hai anh em cãi nhau ỏm tỏi.
Frederic cũng cảm thấy chuyện này không ổn. Lúc cha rời nhà anh mới vừa 7 tuổi, trong bốn đứa, anh có ấn tượng về cha nhất, nhưng ấn tượng cũng không sâu, vì người được gọi là “cha” đó rất ít khi ở nhà.
Cậu và mẹ gây gổ, ba đứa bé run rẩy ôm nhau trong góc.
Isabelle khó hiểu hỏi: “Vì sao cậu Felix lại muốn dẫn anh chị đi… đi tìm cha?”
“Frederic là con trai cả.” Vitalie nói.
Frederic thở dài: Đúng thế, vì anh là con cả nên không thoát được chuyện liên quan tới cha.
Chuyện này khiến anh rất đau đầu.
Tụi con trai là tụi nít quỷ độc địa, những lời như “đồ không có cha”, “đồ tạp chủng” nói suốt ngày, không nhớ anh và Arthur đã vì chuyện đó mà đánh nhau với đám trẻ bao nhiêu lần. Hồi nhỏ anh cũng từng buồn bã hỏi mẹ vì sao cha không về, nhưng sắc mặt tối tăm của bà đã khiến anh im miệng.
Hầy!
Người đàn ông đó rốt cuộc thế nào anh cũng chẳng nhớ rõ. Mẹ đã cất hết mọi thứ đồ liên quan đến cha, Arthur tìm được vài bản nháp của cha, thích tới nỗi không buông tay, nấp mẹ lén lấy ra xem mấy lần, ngẫm lại, thật đáng thương.
Còn vì sao lại tìm cha thì anh cũng không biết nốt.
“Cậu nói gì với em à?” Anh hỏi Vitalie.
“Cậu muốn dẫn chúng ta đi tìm ông ta, đòi lại phí nuôi dưỡng mấy năm qua.”
“Phí nuôi dưỡng?” Frederic trầm ngâm. Một từ xa lạ.
“Chính là tiền sinh hoạt.”
Hiểu rồi. Frederic và Isabelle bừng tỉnh.
“Ông ta là cha chúng ta, cũng nên đưa tiền nuôi dưỡng cho mẹ chúng ta, chứ không phải để một mình mẹ nuôi chúng ta. Tiền có thể mua được rất nhiều thứ, có thể cho chúng ta ăn uống tốt hơn, tốt nhất còn có thể thuê một hầu gái làm việc nhà.”
Isabelle vẫn chưa hiểu khái niệm thuê người làm là như thế nào, nhưng có người làm thì sẽ lo liệu hết việc nhà, chuyện này cô bé biết, cho nên rất tán thành.
Còn về Frederic, đương nhiên từ lâu anh đã biết tiền là thứ tốt. Nghĩ như vậy, trái lại cũng là ý kiến hay.
***
Bà Rimbaud cho rằng bọn họ đến Dijon chỉ tốn tiền tốn bạc, song cuối cùng vẫn đồng ý.
Việc này không thể chậm trễ, đi sớm về sớm, quyết định 3 ngày sau lên đường. Bà Rimbaud muốn bọn họ dừng lại ở Paris mấy hôm, tìm Arthur rồi đưa anh đi. Một mình anh ở Paris, mẹ cũng không yên tâm.
Felix nghỉ lại quán trọ ở Charleville, ông tính mua một bộ đồ mới nhưng Vitalie nói, có thể đến Paris rồi mua sau. Ra ngoài làm việc thì cần chú trọng ăn mặc, dù đi đòi tiền cũng không thể ăn mặc mộc mạc, lại phải bày ra cái kiểu “tôi không cần ít tiền này”, nếu không sẽ bị đại úy Rimbaud coi như bà con nghèo, cho 100 franc rồi đuổi đi.
Vitalie cũng tính may hai bộ váy đẹp ở Paris. Có ai mà không thích váy đẹp? Còn hứa cũng sẽ mua váy mới kiểu Paris về cho Isabelle, Isabelle rất vui, hào hứng chúc mọi người lên đường thuận buồm xuôi gió.
***
Ba ngày sau, tại ga tàu Charleville.
Tàu đến Paris vẫn chưa khởi hành lại, phải đi đường vòng, hành trình trước tiên là đến Reims, sau đó đến Chalons ở gần đấy rồi từ Chalons đến Paris*.
(*Bản đồ cho các bạn dễ hình dung.)
Reims là thành phố lịch sử vang danh, thành phố lớn của tỉnh Marne này có rất nhiều thánh đường nổi tiếng, đã từng có 25 vị vua lên ngôi tại nhà thờ Đức Bà ở Reims, được mệnh danh là “thủ đô đăng quang” của nước Pháp, Gioanna xứ Arc* cũng từng để lại dấu chân ở lại thành phố này, từ lâu Vitalie đã muốn đến Reims thăm thú.
(*Gioanna xứ Arc, biệt danh “Trinh nữ xứ Orléans”, được xem là một nữ anh hùng người Pháp, chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Trăm Năm giữa Pháp và Anh, dù bà chết trong lửa thiêu vì khép tội dị giáo, nhưng 500 năm sau đã được Giáo hội Công giáo La Mã phong thánh, sau này được nền Cộng hòa Pháp lấy làm biểu tượng “Mẹ Tổ quốc”.)
Đây là lần đầu tiên cô đi xa nên bà Rimbaud rất không yên tâm, cứ dặn dò Frederic phải chăm sóc kỹ em gái.
***
Vitalie vô cùng phấn khởi.
Cô đã nói với cậu, đến Paris là phải đi mua váy mới ngay. Cậu rất thương cô, lập tức đồng ý. Chuyện đi tìm cha không còn là chuyện quan trọng nhất nữa, trên đường đi còn có thể đến Reims, Chalons, Paris, Dijon, tuyệt vời biết bao! Tuy nhiên, bà Rimbaud lo lắng cô ra ngoài sẽ chạy lung tung như Arthur – mới đến Paris một lần (mặc dù chỉ coi là giẫm chân lên đất Paris) mà lòng đã hoang hoải, không còn thành thật ở nhà nữa.
Mẹ lo lắng cũng đúng thôi, đã nhìn thấy thế giới đầy màu sắc bên ngoài thì làm sao có thể ở lại một thị trấn biên giới nhỏ như Charleville?
Nán lại Reims một ngày, đi tham quan nhà thờ Đức Bà. Chiều hôm sau, mọi người thuê xe ngựa đến Chalons rồi ở lại đây thêm một ngày nữa. Cậu Felix đến nhà máy rượu địa phương mua rượu, vì uống trên đường đi nên cũng không mua nhiều, chỉ mua một thùng, còn hẹn với chủ nhà máy rượu là bao giờ về sẽ mua thêm. Vitalie thở dài, ông cậu đúng là đồ nghiện rượu.
Từ Chalons đến Paris mất mấy tiếng đi tàu, tối ngày thứ tư, mọi người đã tới Paris.
***
Cậu Felix dẫn hai đứa bé vào quán trọ gần ga tàu, thuê hai gian phòng ở cuối hành lang, cho Vitalie và Frederic ở phòng cuối cùng. Làm thế là vì sợ có người quấy rầy, quán trọ mà, giá cả thì rẻ, khách ở trọ càng chẳng tốt đẹp gì.
Bọn họ ở lại Paris ba ngày nhưng không tìm được Arthur. Dẫu gì Paris cũng rất lớn, lại có đến 3 triệu người dân, đâu dễ dàng tìm được một anh chàng chưa tới 17 tuổi? Vitalie để lại thư cho Arthur ở bưu điện lần trước đã gửi, song không rõ anh có đến lấy thư không.
***
Đã là tuần thứ ba của tháng 5 rồi, tình hình ở Paris đang rất căng thẳng. Lực lượng chính phủ đang tập trung ở ngoại ô Paris, chuẩn bị tấn công Paris, hòng “giải cứu thủ đô vĩ đại” khỏi Công xã Paris. Vitalie thúc giục cậu nhanh chóng rời khỏi đây. Cô không nhớ Công xã Paris thất bại khi nào, nhưng qua các tờ báo và những thông tin nhặt nhạnh được lúc ra ngoài thì xem chừng một cuộc thanh trừng lớn sắp diễn ra.
Cậu Felix không phải người nhanh nhạy, nhưng ông cũng từng ở trong quân đội, cũng cho rằng quân đội chính phủ sớm muộn gì cũng sẽ tấn công vào Paris, đến lúc đó ắt sẽ hỗn loạn, người ngoại tỉnh như bọn họ sẽ gặp rắc rối, nên khi cảm thấy thực sự không còn cách nào tìm được Arthur, vào buổi trưa ngày thứ bảy, ông lập tức dẫn hai cháu ngoại vội vã đến ga tàu, rời khỏi Paris.
6 giờ sáng ngày thứ tám khi đến Dijon, bọn họ nghe thấy những đứa trẻ bán báo ở trên đường rao tin tức mới nhất về Paris, nói quân đội chính phủ đang tấn công Paris, Công xã Paris rất hỗn loạn.
Felix vui ra mặt, “May mà trốn kịp.”
Vitalie cũng rất vui, “Chậm một ngày nữa là không đi được rồi.”
Ngày hôm đó là ngày 24 tháng 5*.
(*“Tuần lễ đẫm máu” trong chiến tranh bảo vệ Công xã kéo dài từ 21 tới 28 tháng 5. Tới ngày 28, cuộc kháng cự của Công xã Paris hoàn toàn thất bại.)
***
Lần trước Arthur đã tới Dijon nên có cho cô địa chỉ của đại úy Rimbaud. Felix muốn đi ngay nhưng Vitalie lại nói, nên tìm một quán trọ trước đã, nghỉ ngơi nửa ngày rồi chiều hẵng tới.
Người ngoại tỉnh khẩu âm vùng Charleville hiển nhiên rất nổi bật ở phố phường Dijon, cũng may bọn họ ăn mặc không tệ, là trang phục mua ở Paris. Felix và Frederic mặc áo sơ mi vải bông giá 20 franc, bên ngoài mặc âu phục giá 80 franc, đi đôi giày da bò 10 franc, đầu đội mũ quả dưa 15 franc, cả hai tốn hết hơn 200 franc; Vitalie cũng tiêu hao hơn 200 franc mua hai chiếc váy mới, còn mua cho Isabelle một bộ mới nữa. May mà lúc tìm Arthur đã tranh thủ đi mua đồ, chứ lúc về chắc chắn sẽ không đến Paris, không có cơ hội mua áo quần đâu.
Bọn họ tìm một quán trọ ở gần ga tàu, vẫn thuê hai gian phòng.
Rửa mặt thay quần áo, ăn bữa sáng tại nhà ăn gần quán trọ, lúc quay về trọ, Vitalie đem đồ mới của cậu và anh đi giặt giũ là nóng, đến mai mới lấy được, chi phí hết thảy là 4 franc.
Trở lại phòng, cô tìm miếng giẻ lau đôi giày da mới của mình, giày nữ đắt hơn giày nam, một đôi giày trẻ em thế này mà mất những 12 franc. Dù không tới giá một đồng Napoleon vàng, tự cô cũng mua được song vẫn cảm thấy quá đắt, khi mà ăn một bữa tối không quá tệ tại quán ăn Paris thì cũng chỉ mất có 2 franc.
Trong tay cô có không ít tiền, đa số đều do cậu cho, mấy năm qua đủng đỉnh cũng cho 300 franc tiêu vặt, lần trước cho 500 franc, ở làng Roche lại cho thêm 1.000 franc, làm tròn là được 1.800 franc; trừ đi 50 franc dùng bình thường, mua sách cho Arthur tốn 50 franc, lần thứ hai Arthur đi Paris đã cho 200 franc, lại cho Charles 200 franc nữa, bây giờ cô còn lại 1.300 franc.
Với một cô gái 12 tuổi trong trấn nhỏ thì đây chắc chắn là một số tiền kếch xù.
Lần này ra ngoài cô chỉ đem theo 300 franc, nghĩ phòng trường hợp có tiền để dùng mà cậu thì không có bên cạnh, cô sẽ không đến mức trong tay không có một đồng. Bà Rimbaud cũng cho tiền, nhưng là cho Frederic, cô không lấy được xu nào, cũng đừng mơ là ông anh sẽ cho cô ít tiền xài.
Con trai cẩu thả vậy đấy!
Cô định bụng lúc về sẽ xin anh ít tiền. Lần này đi toàn tiêu tiền của cậu chứ tiền mẹ cho không dùng bao nhiêu. Có điều nếu có thể thuận lợi lấy được tiền nuôi dưỡng, thì cô cóc quan tâm đến chút tiền tiêu vặt đó nữa.
Vitalie cũng đã nghĩ nên tìm cha đòi tiền nuôi dưỡng như thế nào rồi, đương nhiên chuyện này cần người lớn ra mặt, nhẽ ra bà Rimbaud đi là tốt nhất, nhưng bà không muốn gặp lại người đàn ông đã vứt bỏ mình, âu cũng là chuyện hợp lý. Cậu ra mặt cũng được, có lẽ sẽ tốt hơn, Felix luôn không thích đại úy Rimbaud nên chắc sẽ không mềm lòng.
Rồi chắc chắn là con trai cả phải đến, vai trò của trưởng nữ cô đây chính là khóc, có bao nhiêu đáng thương thì khóc bấy nhiêu, con trai bị vứt bỏ, cô con gái khóc đến tội nghiệp, chậc chậc, tình cảnh ấy chắc sẽ đẹp lắm. Hễ là người có lương tâm thì ắt sẽ thấy áy náy. Thà ông ta nghèo rớt mồng tơi thì thôi, nhưng ông ta đâu có nghèo, thậm chí còn sống thoải mái nữa là, không hề quan tâm đến vợ con ở Ardennes xa xôi, đúng là tức giận!
***
Không biết cậu đã đi đâu, Vitalie bảo Frederic tìm quanh đó, có thể cậu đang uống rượu ở quán rượu nào rồi. Cô cũng bó tay trước tính nghiện rượu của Felix, dù là cháu gái ngoại thì cũng không nên nói quá nhiều, nếu không sẽ làm người ta ghét; Nhưng cũng không thể cứ thế mà im im được, dù không phải ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng nát rượu có hại cho sức khỏe là điều đã được công nhận.
Cô hỏi chủ quán trọ chỗ thuê xe ngựa, đến đại lộ Napoleon thì mất bao nhiêu tiền, ông chủ nói có thể gọi xe ngựa giúp cô, hỏi muốn đi lúc nào.
“Sáng mai ạ, 9 giờ rưỡi.” Cô suy nghĩ, 9 giờ rưỡi chắc là thích hợp rồi, nếu muộn hơn thì có thể đại úy Rimbaud đã ra ngoài, hoặc là đi ăn.
Tỉnh Côte d’Or giàu hơn tỉnh Ardennes, và Dijon cũng rộng lớn hơn Charleville. Những khu vực giàu có thì có chỉ số sống cao hơn, ăn uống đắt đỏ, chỗ ở đắt đỏ, và thuê xe ngựa cũng đắt hơn, chi phí chạy một chiều là 2,5 franc, còn một chuyến khứ hồi là 4,5 franc. Vitalie đặt cọc trước 1 franc, hẹn xe ngựa sẽ đến vào lúc 9 giờ sáng mai, khởi hành trước 9 giờ 30, như thế có thể đến đại lộ Napoleon vào khoảng 10 giờ.
Ông chủ không khỏi nhiều chuyện, hỏi bọn họ đến đại lộ Napoleon thăm người thân hay bạn bè.
“Cháu đi tìm cha.” Vitalie ngẩng mặt lên, cười đáp, “Đã 10 năm rồi cháu chưa gặp ông ấy.”
__
*Qin: Nói qua về hai bộ tiểu thuyết của văn hào Victor Hugo, hẳn dù chưa đọc thì mọi người cũng đã nghe đến. Tóm tắt về vấn đề “khổ” mà Vitalie nhắc tới, thì kết thúc của Nhà thờ Đức Bà Paris là thằng gù Quasimodo và vũ nữ Esméralda cùng chết trong hầm mộ và hầu hết các nhân vật khác cũng chết; Ở Những Người Khốn Khổ, dù đại đa số nhân vật đều bỏ mạng (vì cuộc đời, vì cách mạng), thì kết truyện Cosette và Marius Pontmercy kết hôn, và nhân vật chính Jean Valjean cũng ra đi trong hạnh phúc, cách mạng cũng bước nào thành công. Cosette cũng là nhân vật nữ duy nhất trong tác phẩm được Hugo ưu ái dành cho một kết thúc có hậu như cổ tích. Nhìn chung, mình cảm thấy cái kết của Những Người Khốn Khổ có ánh sáng hơn Nhà thờ Đức Bà Paris. Và không chỉ ở mỗi kết, cái “khổ” còn nằm tại vấn đề cách mạng cũng như giá trị quan trong tư tưởng của các nhân vật trong hai câu chuyện.
Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License